Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Vì sao Trung Quốc thích sao chép?

Nhiều người Trung Quốc thích chụp ảnh cưới ở thành phố 'nhái' kiến trúc Anh
Trung Quốc vẫn nổi tiếng với các loại đĩa hình lậu và điện thoại giả iPhone, nhưng văn hóa ‘hàng nhái’ này cũng được mở rộng sang lĩnh vực kiến trúc – đôi khi họ làm giả cả một thành phố.
Khi bạn bước vào Thames Town (thị trấn Thames), tiếng còi xe và cuộc sống đô thị lộn xộn dần chìm đi.

Con đường bắt đầu uốn lượn, và từ xa xa, bạn thấy có chiếc tháp trông tựa tháp đồng hồ ở làng cổ Cotswold.Không còn những người bán bánh bao rong, hay tiếng rao của người đi thu đồng nát trên xe ba bánh.
“Nơi này trông như châu Âu trong mơ,” ông Tony Mackay, kiến trúc sư người Anh nói về quy hoạch tổng thể nhà của Thames Town và các khu vực xung quanh quận Tùng Giang.
Khi Mackay được chính quyền địa phương thuê thực hiện khu làng này năm 2001, nơi đây chỉ toàn trại nuôi vịt.
Nay là những con đường rải đá, quán rượu và nhà khung gỗ kiểu Tudor.
Thậm chí có cả tượng của Winston Churchill và nhà họp theo kiến trúc thời trung cổ có quảng cáo cánh gà rán và bia bằng chữ Trung Quốc.
Nhưng Mackay không hài lòng lắm. “Trông vẫn không ổn,” ông nói. “Nhìn nó vẫn giả.”
Thames Town ở Trung Quốc
Ông Mackay cho rằng các kiến trúc sư thiết kế các khu nhà theo kiểu cóp nhặt, đặt các phong cách kiến trúc khác nhau vào cùng một khuôn viên và đã bỏ đi tính chân thực.
Chẳng hạn như một số nhà khung gỗ cao tới sáu tầng, và cửa sổ ở nhà thờ trông không được, ông nói.
“Các tỷ lệ bị sai. Cách sử dụng đá cũng sai hết. Họ sẽ không dùng như thế ở các nhà thờ Anh,” ông nói.
Nhà ở khu Thames Town phần lớn được mua để đầu tư, nên nơi này còn yên tĩnh và chỉ mới bắt đầu có hơi thở của cuộc sống bình thường.
Theo Mackay, khu này trông giống phim trường. Một blogger người phương Tây thậm chí còn viết rằng, thị trấn Thames khiến ông nhớ tới bộ phim The Truman Show.
Nhưng Phạm Dụ Triết không quan tâm.
Tôi tìm thấy chú rể Phạm và cô dâu Tốn Kỳ Dao đang nhìn nhau say đắm trong khi người trợ lý ra sức tung cánh hoa để chụp ảnh.
Chụp ảnh cưới ở Thames Town
Thames Town đầy những đôi bạn trẻ đi chụp ảnh cưới.
“Tôi thích bóng đá châu Âu, nên tôi rất quan tâm đến những gì của châu Âu,” chú rể nói.
“Tôi mong là sẽ có dịp đến thăm sông Thames thật, ngồi bên bờ sông, uống cốc cà phê và tận hưởng mặt trời Anh quốc.”
Gần đó, người phụ nữ tên Trương Lê ngồi ăn quýt, chơi bài với mẹ và dì.
Cô Trương cho biết cô đến đây vào ngày nghỉ vì các thị trấn Trung Quốc đều quá đông và quá thị trường, nhưng ở đây xanh tươi và êm đềm hơn. Và vì chỉ làm công việc bàn giấy, cô không thể kiếm đủ tiền sang nước Anh.
“Bình thường, nếu bạn muốn nhìn thấy các tòa nhà nước ngoài, bạn phải ra nước ngoài,” cô Zhang nói. “Nhưng chúng tôi đã mang nó vào Trung Quốc, mọi người có thể tiết kiệm tiền mà vẫn được thưởng ngoạn kiến trúc nước ngoài.”
Trung Quốc có đầy những thứ như thế.
Thames Town nằm trong dự án “Một thành phố, Chín Thị trấn” của Thượng Hải, với các thị trấn vệ tinh xây xung quanh thành phố được xây theo kiến trúc quốc tế khác nhau.
Ở những nơi khác ở Trung Quốc, có tháp Eiffel, cầu Tháp – thậm chí Stonehenge cũng có hàng nhái.
Năm ngoái, ngôi làng mô hình của thành phố Hallstatt nước Áo được dựng ở tỉnh Quảng Đông. Bản gốc của ngôi làng được Unesco công nhận là Di sản Thế giới.
Làng Hallstatt thật ở Áo (trái) và làng ở Trung Quốc (phải)
Đây là những ví dụ cho khao khát “duplitecture” (nhại kiến trúc) của Trung Quốc, theo cách gọi của bà Bianca Bosker, tác giả cuốn Original Copies: Architectural Mimicry in Contemporary China.
Tất nhiên, không chỉ có người Trung Quốc thích hàng copy. Một thế kỷ rưỡi trước, nước Mỹ hùng mạnh cũng từng là nơi hay làm đồ giả, hàng nhái, và giờ vẫn còn nhiều dấu vết nhại kiến trúc, kể cả khu đền ở Epcot, Florida, và rất nhiều ví dụ khác ở Las Vegas.
Nhưng theo bà Bosker, trong khi rất nhiều người phương Tây cho rằng, sao chép kiến trúc là điều kỳ lạ, người Trung Quốc lại thấy điều đó đáng yêu.
Hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc có các khu nhà ở ngoại ô nơi người dân sống trong các tòa nhà lớn, và hai phần ba số nhà cửa được rao bán bởi các nhà môi giới bất động sản theo kiểu phương Tây, bà nói.
Bà Bosker cho rằng, một phần nguyên do là vì người Trung Quốc có thái độ khác đối với copy mẫu mã.
“Văn hóa sao chép ở Trung Quốc rất khác với những gì chúng ta thấy ở phương Tây, nơi coi đây là hành động rất đáng kỵ, và phải tránh bằng mọi giá.”
Ở Trung Quốc, tài bắt chước được xem là “một nghề tinh hoa, thế nên không có gì đáng ngăn cản, mà nên khuyến khích.
Văn hóa này có lịch sử khá lâu đời. Khi vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc Tần Thủy Hoàng, đánh chiếm các vương quốc vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, ông cho xây bản sao của mỗi vương thành của họ trong chính kinh thành của mình.
Cho tới ngày nay, chính phủ Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư cho các dự án sao chép này.
Đây là cách để chứng tỏ sức mạnh, bà Bosker nói. “Theo một cách hình tượng, Trung Quốc muốn khoe mẽ khả năng sắp xếp vũ trụ, để sắp xếp những gì tuyệt nhất của phương Tây theo trật tự của họ.”
Tô Châu Viên Lâm được công nhận là di sản thế giới của UNESCO
Không có gì là tình cờ ở đây, theo tác giả, rằng nhà Trắng – biểu tượng tối cao của quyền lực nước Mỹ - là một trong những kiến trúc được sao chép nhiều nhất ở Trung Quốc.
Nhưng không phải tất cả người Trung Quốc đều ủng hộ kiểu kiến trúc sao chép này.
“Tôi chẳng thích chút nào,” Đường Minh, kiến trúc sư ở Thượng Hải nói.
Trung Quốc có di sản kiến trúc riêng giàu có, chẳng hạn như Tô Châu Viên Lâm (vườn cây cổ điển) hay Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, và những tòa nhà gỗ theo kiểu truyền thống, ông Đường Minh nói.
Người Trung Quốc coi trọng lịch sử, nhưng ở thời mọi sự thay đổi rất nhanh chóng, người ta thấy thực dụng hơn – thậm chí dễ dàng hơn – khi sao chép phong cách phương Tây.
“Tôi nghĩ đây chỉ là thời điểm nhất định – người ta không thể giữ mãi thói quen khi mọi sự đang thay đổi.
“Thế nên có thể hiểu được khi họ đi theo những gì họ khâm phục, hoặc hay xuất hiện trên truyền thông đại chúng,” kiến trúc sư Đường Minh nhận xét.
Theo thời gian, kiến trúc Trung Quốc sẽ tìm được con đường của mình, theo ông Đường Minh.
Dự án Soho ở Vọng Kinh
Hình đồ họa dự án Soho ở Vọng Kinh (trái) và mô hình dự án ở Trùng Khánh (phải)
Kiến trúc sư người Anh, Tony Mackay cho rằng, các thành phố bắt chước của Trung Quốc chỉ là mốt nhất thời – là sản phẩm của niềm mong muốn của Trung Quốc được kết nối với thế giới sau nhiều thập kỷ cô lập – và ông thấy có xu hướng mới đang dần trỗi dậy.
Một ví dụ là dự án xây khu phố hiện đại Soho ở Vọng Kinh, ngoại thành Bắc Kinh, bởi kiến trúc sư người Anh gốc Iraq Zaha Hadid.
Khu này được cho là trông như ba con cá lớn nổi dậy từ lòng sông.
Vấn đề là ở chỗ, một kiến trúc tương tự đang được xây ở thành phố Trùng Khánh.

Theo một bài báo trong ngành kiến trúc, bản sao có lẽ sẽ được hoàn thành trước cả bản chính.

Related Post

Vì sao Trung Quốc thích sao chép?
4/ 5
Oleh